Vì sao Vsmart đặt mục tiêu chinh phục thị trường Mỹ khi các ông lớn smartphone trong top 6 còn chưa dám?

on
Categories: TIN TỨC NỔI BẬT

Trong một thông báo có lẽ sẽ khiến nhiều người bất ngờ, Chủ tịch VinGroup Phạm Nhật Vượng khẳng định sẽ đưa VinFast và VinSmart đến một thị trường cực kỳ khó tính là Mỹ. Thậm chí, VinGroup sẽ coi thị trường Mỹ là trọng điểm, sau khi sản lượng tại Mỹ đạt đến mục tiêu đề ra mới tiếp tục triển khai tại các thị trường xuất khẩu khác.

Hướng tiếp cận của VinSmart với cuộc chiến smartphone toàn cầu như vậy là hoàn toàn khác biệt so với nhiều ông lớn, đặc biệt là các ông lớn Trung Quốc đang đứng trong top 6 thống trị của thế giới. Tính đến hết tháng 5/2020, cả 4 thương hiệu smartphone Trung Quốc cùng Apple và Samsung tạo lập top 6 nói trên đều không kinh doanh điện thoại tại Mỹ. Trong số này, chỉ riêng Huawei là bị chính phủ Mỹ áp đặt lệnh cấm; 3 hãng còn lại là Xiaomi, OPPO và Vivo vẫn chưa đặt chân tới Mỹ dù đã thay phiên nhau lọt top 5 toàn cầu được hơn nửa thập kỷ. Thị trường Mỹ hiện tại chỉ có 2 tên tuổi Trung Quốc duy nhất là OnePlus (cùng thuộc BBK Electronics với OPPO, Vivo) và Motorola, thương hiệu được Lenovo mua lại từ Google vào năm 2014.

Vậy thì, đâu là lý do khiến cho VinGroup dám dũng cảm thực hiện một bước đi có thể coi là đi ngược lại hoàn toàn chiến lược của các hãng smartphone đình đám?

1. Gây dựng vị thế

Trước hết, cần phải nói một cách thực tế rằng khả năng điện thoại Vsmart trở thành đối thủ (về mặt doanh số) của Apple, Samsung hay OnePlus tại Mỹ là rất thấp. Đây là thị trường đi đầu trong cuộc chiến modern smartphone, đã bão hòa từ lâu và cũng có yêu cầu rất khắt khe, chủ yếu tập trung vào phân khúc cao cấp.

Tuy vậy, mức doanh số đủ cao tại Mỹ sẽ là minh chứng cho chất lượng trải nghiệm của điện thoại Vsmart. Nếu chinh phục được người dùng Mỹ, Vinsmart hoàn toàn có thể tự tin rằng sản phẩm của hãng sẽ chinh phục được người dùng Ấn Độ, Singapore, Mỹ Latin, Châu Âu… “Tiếng thơm” từ thủ phủ công nghệ của thế giới sẽ lan tỏa, và như lời ông Vượng khẳng định: “Nếu thành công ở Mỹ thì việc chinh phục các thị trường khác sẽ dễ dàng hơn”.

2. Mở đường gia công

Năm 2019, VinGroup đã tiến hành khởi công Dự án Nhà máy sản xuất điện thoại thông minh Vsmart tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội) với diện tích 15,2 ha. Với công suất tối đa 125 triệu máy/năm – tức gấp nhiều lần sức mua của toàn bộ thị trường Việt Nam, VinGroup không hề giấu tham vọng dùng nhà máy này để “gia công sản phẩm cho các hãng điện thoại khác”.

Một lần nữa, những chiếc Vsmart sẽ là tuyên ngôn về năng lực của Vsmart. Smartphone Việt Nam bán tại Mỹ, được người Mỹ ủng hộ sẽ là minh chứng rõ rệt nhất cho thấy VinSmart có thể gia công các sản phẩm chất lượng để Apple bán tại Mỹ, để Google bán tại châu Âu hay để Xiaomi bán tại Ấn Độ. Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ – Trung vẫn đang gia tăng (Mỹ thậm chí vừa chặn đường sản xuất chip của Huawei), rõ ràng VinSmart sẽ cần phải tìm mọi cách để quảng bá cho năng lực sản xuất tại Việt Nam.

3. Mở rộng hợp tác

Là thị trường đi đầu thế giới về công nghệ, nước Mỹ có mức độ bảo vệ quyền trí tuệ cao. Các hãng di động xuất hiện muộn như Xiaomi hay Vsmart vì thế cần phải dè chừng vấn đề bằng sáng chế khi đặt chân tới Mỹ. Một mối quan hệ bền chặt với các ông lớn nắm “kho” bản quyền sáng tạo của riêng mình là điều bắt buộc, và đến nay có vẻ như chỉ duy nhất OnePlus và Motorola/Lenovo vượt qua được thử thách này.

May mắn là có vẻ như từ lâu VinSmart đã gây dựng được mối quan hệ tốt với Google và với Qualcomm. Mối quan hệ hợp tác với Google được VinSmart nhắc đến không chỉ trên smartphone mà cả với smart TV. Qualcomm cũng đủ ưu ái VinSmart để nhanh chóng cung cấp chip thay vì yêu cầu khâu thử thách như các hãng smartphone nhỏ lẻ. Giờ đây, khi Vsmart đến Mỹ, VinGroup sẽ lại càng có cơ sở để xây dựng cho các mối quan hệ này thêm bền chặt. Và đó có thể là lợi thế khi Vsmart tiếp tục đặt chân lên các thị trường xuất khẩu tiếp theo.

4. Bước đệm lên cao cấp

Là một thị trường tập trung hơn vào phân khúc cao cấp thay vì các phân khúc phổ thông như Việt Nam, Đông Âu hay Ấn Độ, nước Mỹ có thể coi là điểm đến thích hợp cho những kẻ muốn tiến đánh lên các phân khúc cao hơn. Vị thế là hãng Android thành công nhất trên phân khúc cao cấp của Samsung có phần không nhỏ là nhờ chiến lược quảng bá “The Next Big Thing” tại Mỹ. Một thế lực như BBK (OPPO, Vivo, Realme…) khi đến Mỹ cũng chỉ tung ra duy nhất một thương hiệu tập trung vào phân khúc cao là OnePlus. Và, xét cho cùng, hãng điện thoại đang thống trị phân khúc cao cấp vẫn là một thương hiệu của Mỹ.

Sau khi thiết lập thành công trên phân khúc giá rẻ, hãng điện thoại của VinGroup được cho là sắp ra mắt “Vsmart Lux”, sản phẩm tầm trung/cận cao cấp đầu tiên của hãng. Đến Mỹ và để Lux (hay sau đó là Super Lux) “thử lửa” là điều Vsmart rất nên làm. Không một hãng smartphone nào có thể mãi mãi giới hạn trong phân khúc giá rẻ vốn có lợi nhuận rất thấp. Nếu có thể tạo dựng chỗ đứng tại Mỹ, Vsmart có quyền tin rằng điện thoại premium tại Việt Nam có thể đứng ngang hàng với Samsung, OnePlus và thậm chí là Apple.

5. Trên tất cả: Tự tin thành công

Cũng trong cùng sự kiện cổ đông, VinGroup tuyên bố đã bán được 1,2 triệu smartphone trong 17 tháng. Tháng 3 vừa qua, Vsmart trở thành thương hiệu đầu tiên lọt vào top 3 tại Việt Nam với thị phần trên 10%. Những con số này có thể coi là nhỏ bé khi so sánh cùng các thương hiệu Mỹ hay Trung Quốc.

Song, hãy nhớ rằng, chỉ thành công “nhỏ bé” của Vsmart thôi cũng đã là kỳ tích. Các nhà sản xuất Việt Nam tuy chậm chân nhưng người dùng Việt Nam đã được tiếp xúc với smartphone từ rất sớm. Người Mỹ khó tính, nhưng người dùng Việt cũng đâu có dễ tính với lựa chọn smartphone của riêng mình?

Bởi thế, trên tất cả, VinGroup vẫn có quyền tin vào thành công của Vsmart tại thị trường khó tính nhất thế giới. Thành công tại Việt Nam cho thấy VinSmart thực sự có khả năng làm những điều mà, cách đây 2 năm, nhiều người vẫn cho là không thể. Ai biết đâu rằng, 2 năm nữa, điều không thể của ngày hôm nay đã trở thành điều có thể trên đất Mỹ?

————
( C ): VIA – Hiệp hội internet Việt Nam